Kiến thức thú cưng

Khắc phục sớm bệnh viêm loét giác mạc ở chó

Chó ở độ từ 2 - 5 tuổi rất dễ mắc bệnh viêm loét giác mạc. Có một vài trường hợp, cún cưng vừa bước sang năm tuổi thứ nhất đã mắc bệnh. Đặc biệt, đây là căn bệnh thường xảy ra ở các giống chó mắt lồi, mũi ngắn. Bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của cún cưng. Và nếu không được điều trị kịp thời, chó bị viêm loét giác mạc có thể sẽ bị mù lòa.

Vậy làm sao nhận biết các dấu hiệu sớm của bệnh viêm loét giác mạc ở chó? Chữa trị và phòng tránh căn bệnh này như thế nào mới hiệu quả?

Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thông tin qua bài viết sau đây.

Bệnh viêm loét giác mạc ở chó là gì?

Chó bị viêm loét giác mạc sẽ có cảm giác đau nhức, khó chịu. Một số triệu chứng khi giác mạc của cún yêu bị viêm như:

- Liên tục chảy nước mắt
- Sợ ánh sáng
- Mắt hay nhắm
- Đau, không cho sờ khám
- Giác mạc mất độ trong, nhẵn, bóng
- Giác mạc có vết trầy xước
- Xuất hiện vết loét hình tròn bằng hạt tấm thường ở trung tâm của giác mạc

Bên cạnh bệnh viêm loét giác mạc, cún cưng của bạn có thể mắc thêm một số bệnh liên quan về mắt như:

- Viêm kết mạc
- Sa tuyến mí mắt thứ ba (mống mắt)
- Chấn thương mắt
- Đục thủy tinh thể
- Tăng nhãn áp.

bệnh viêm loét giác mạc ở chó

Vậy nguyên nhân do đâu khiến cún cưng bị viêm loét giác mạc?

Nguyên nhân gây viêm loét giác mạc ở chó

Trong đời sống hằng ngày, có rất nhiều nguyên nhân làm cho cún cưng mắc bệnh. Trường hợp phổ biến nhất có thể kể tới là do:

- Đặc điểm giống chó mắt lồi
- Bụi, hóa chất từ môi trường bị ô nhiễm
- Cào gãi do ve rận đeo bám
- Mắc bệnh truyền nhiễm Carre hoặc bệnh tiểu đường
- Lông đâm vào giác mạc gây kích ứng, viêm nhiễm
- Cắn nhau để lại vết thương tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus và nấm xâm nhập.

Ngoài ra, viêm loét giác mạc ở chó còn bắt nguồn từ những sợi lông quặm. Hoặc do khô giác mạc kéo dài, tổn thương do bệnh Carre để lại. Bệnh viêm gan truyền nhiễm cũng có thể khiến giác mạc của bé bị tổn thương. 

Ngoài ra, chó bị viêm loét giác mạc còn do dị tật bẩm sinh, hay sự bất cẩn của chủ, tai nạn, ….

Ngay khi thấy bé có biểu hiện viêm loét giác mạc, bạn cần đưa bé đến ngay bệnh viện thú y. Bởi việc chậm trễ có thể gây loét giác mạc sâu. Vết loét dần tích mủ nội nhãn dẫn đến thủng giác mạc. Nghiêm trọng hơn, bé cún sẽ mất thị lực vĩnh viễn.

chó bị viêm loét giác mạc

Điều trị viêm loét giác mạc trên chó

Trước khi đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, bác sĩ chuyên khoa sẽ làm thử nghiệm chẩn đoán nhanh. Mục đích của việc này là nhằm đánh giá mức độ loét nông hay sâu của giác mạc.

Phương pháp được sử dụng có thể là nội khoa, hay phải kết hợp cùng ngoại khoa mới mang lại kết quả tốt nhất.

Trong điều trị, thường phải dùng kháng sinh toàn thân. Để tăng hiệu quả, sẽ kết hợp với thuốc nhỏ mắt đặc trị kháng nấm hay kháng khuẩn.

Quan trọng nhất, để việc điều trị viêm loét giác mạc thành công, cần phải cho bé đeo vòng Elizabeth. Đây là dụng cụ bảo vệ mắt khỏi những vết cào gãi, dụi mắt vào tường. Thông thường, thời gian chữa trị viêm loét giác mạc ở chó thường phải kéo dài 2- 4 tuần.

Lưu ý: Không nên cho bé sử dụng thuốc nhỏ mắt tùy tiện. Bởi nếu thành phần của thuốc nhỏ mắt có chứa Corticoid sẽ làm vết loét trầm trọng hơn.

Viêm loét giác mạc là căn bệnh phòng tránh được. Nếu biết cách phòng ngừa và chăm sóc thì có thể tránh được những hậu quả nặng nề. Ngay khi phát hiện bé mắc bệnh hãy đưa bé đến bệnh viện thú y uy tín để chữa trị.